Đang gửi...
Đang tải...

Nỗ lực cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa

  Ngày đăng: 08/04/2022

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm tổ chức ngày 5/4, Tổ Điều hành thị trường trong nước đặt mục tiêu nỗ lực đến mức cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu.

 

Thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng bởi biến động trên thế giới

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, tháng 3, thị trường hàng hóa đang dần phục hồi trở lại như các tháng thông thường trước khi có dịch bệnh. Về cơ bản, nguồn cung nhiều loại hàng hóa luôn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng và nguyên liệu kim loại, vật tư nông nghiệp giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.

Riêng đối với nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng, trong quý I, thị trường xăng dầu trong nước có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ năng lượng, xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh.

Nỗ lực cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa
Các doanh nghiệp xăng dầu lớn đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cung xăng dầu phục vụ thị trường

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Hiện nay, mặc dù lượng sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 70-75% nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên vừa qua, sự cố từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng mặt hàng này cho thị trường trong nước.

“Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trước đó đã báo cáo công suất đạt và vượt nhưng tháng 2/2022 đã thiếu 50%, tương đương 17-20% nhu cầu xăng dầu cả nước. Quan trọng là xăng dầu là mặt hàng không phải muốn mua là được. Cho nên, chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động của một số doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex, PV OIL, Công ty Xăng dầu Quân đội… đã nỗ lực ngay từ tháng 1/2022 để đàm phán mua hàng” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận.

Đặc biệt, gần đây, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giảm thuế môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng, tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới vẫn neo ở mức cao. Chưa kể, xăng dầu còn là mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho rất nhiều mặt hàng khác, dẫn đến việc giá xăng tăng khiến nhiều mặt hàng khác “té nước theo mưa”.

Nỗ lực cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa
Tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu đã giảm, song vẫn chưa phục hồi về trạng thái bình thường

Chưa kể, tại một số địa bàn, do nhu cầu tăng khi các hoạt động kinh tế phục hồi, một số đơn vị tăng mua vì lo ngại giá tăng, trong khi nguồn cung gặp khó khăn nên một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu hạn chế bán ra gây dư luận không tốt cho thị trường. Trước thực trạng trên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân, Bộ Công Thương đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với nhóm hàng nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, những xung đột chính trị trên thị trường thế giới thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hiện tượng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc chưa được giải quyết triệt để. Thẻ vàng IUU chưa được phía EU gỡ bỏ cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản của nước ta.

Nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung và giá cả hàng hóa

Thời gian tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung và giá cả các mặt hàng thiết yếu là yêu cầu hàng đầu để góp phần ổn định đời sống cho người dân sau đợt dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua.

Theo đó, đối với mặt hàng xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho hay, thời gian qua, Petrolimex đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đàm phán để tăng nguồn nhập khẩu xăng dầu, bù đắp cho phần đang thiếu hụt.

“Nhìn chung trên thế giới, tình hình đang biến động theo chiều hướng dịu bớt so với thời điểm trước đây nên khả năng tạo nguồn sẽ tốt hơn. Petrolimex đã, đang và sẽ xây dựng những kịch bản chi tiết và thận trọng để làm sao cam kết với Tổ điều hành thị trường trong nước, với Bộ Công Thương thực hiện tốt vấn đề đảm bảo nguồn cung. Về nguồn cung, chúng tôi sẽ đảm bảo không để thiếu trong mọi tình huống” - ông Trần Ngọc Năm nhấn mạnh.

Đối với nhóm hàng nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị của hai bộ để thống nhất nhận định về các yếu tố tác động sẽ đến đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu nông sản trong thời gian tới. Đồng thời, bàn thảo một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nhóm hàng này.

Do đó, với vấn đề xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu, hai Bộ đang cùng với các Bộ ngành, địa phương xây dựng phương án chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; xây dựng tiêu chuẩn cho hàng xuất khẩu tiểu ngạch… để từng bước tháo gỡ một cách căn cơ vấn đề xuất khẩu qua cửa khẩu.

“Riêng với giá phân bón, không phải chờ đến khi có xung đột chính trị dẫn đến giá tăng, chúng tôi mới có giải pháp mà thời gian qua, chúng tôi đã thường xuyên hướng dẫn người nông dân làm sao phải sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng, đủ liều lượng. Riêng với thức ăn chăn nuôi, Bộ đã tổ chức một hội nghị chuyên đề sâu liên quan đến vấn đề này, để tìm ra giải pháp thúc đẩy quản trị chăn nuôi gia súc một cách bài bản” – ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.

Nỗ lực cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa
Nỗ lực đến mức cao nhất để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu cho người dân

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trước áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu, vừa qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, ký kết với 69 doanh nghiệp bình ổn giá để cam kết giữ giá hàng hóa thiết yếu. Theo đó, ngoại trừ mặt hàng thịt và trứng sẽ có điều chỉnh giá thời gian tới, về cơ bản, hàng hóa sẽ được giữ giá ổn định.

Ngoài ra, để tạo nguồn hàng đa dạng cho người dân, kết hợp với triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sắp tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

Nguồn: congthuong.vn

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp