Đang gửi...
Đang tải...

Không để thiếu hàng, sốt giá dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

  Ngày đăng: 22/11/2021

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu

Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hoá dịch cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 của Chính Phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Đồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, phối hợp với các Sở ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cho lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu. Phối hợp với các địa phương khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,…) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ. Tổ chức thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Doanh nghiệp phân phối chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết

“Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ, những đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm” - Chỉ thị Bộ Công Thương nêu rõ

Bên cạnh đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường. Hướng dẫn các chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân.

Đối với, các đơn vị sản xuất, đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại, kinh doanh các mặt hàng chính sách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh để đảm bảo duy trì sản xuất; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do đầu cơ, nâng giá. Triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Các Hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để phối hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh, chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Chỉ thị số 12 cũng phần công rõ nhiệm vụ các cục, vụ liên quan. Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước, theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý, sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp sau dịch bệnh và bước đầu thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, đôn đốc, tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại, thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo nguồn hàng bình ổn phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Các Đội Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm soát thị trường, phối hợp quản lý giá, chống đầu cơ, găm hàng

Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường

Các Vụ, Cục: Công nghiệp, Điều tiết điện lực, Hoá chất, Dầu khí và Than tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 để duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng cần thiết (thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, xăng dầu, điện, phân bón...) đảm bảo cung ứng đủ, ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân…

Đối với Cục Xuất nhập khẩu, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản đến thời kỳ thu hoạch trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu trong nước giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tổng cục Quản lý thị trường, xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; tập trung chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, thuốc chữa bệnh.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh có biên giới phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành,... làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới, nhất là với các mặt hàng gia súc, gia cầm và các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.


 Nguồn:Báo Công Thương

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp