Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) da giày vẫn chưa thể tận dụng được các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bởi thiếu nhân lực, yếu công nghệ. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương - xung quanh vấn đề này.
Ngành da giày đã tận dụng được các lợi thế từ những FTA Việt Nam đã ký kết chưa, thưa ông?
Theo tôi, nếu nhìn ngay thì chưa thấy thuận lợi mà các FTA Việt Nam đã ký kết vì ngành da giày vốn có điểm yếu về năng lực quản trị, chưa đáp ứng được những đơn hàng dài, đơn hàng lớn của khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội về lâu dài doanh nghiệp học được cách thức quản trị của các đối tác lớn. Đồng thời, trong quá trình tiếp xúc, cán bộ, công nhân của chúng ta cũng học được kỹ năng của họ. Như vậy xét tổng thể thì có lợi lâu dài, còn trước mắt thì DN phải tự thân vận động để không bị bỏ lại phía sau.
|
Theo ông, đâu là thách thức khiến DN trong ngành chưa tận dụng được lợi thế của các FTA?
Có nhiều thách thức khiến DN chưa tận dụng được các lợi thế FTA, trong đó, nổi cộm là vấn đề về hệ thống công nghệ. Hiện, công nghệ của ngành thay đổi nhanh nhưng DN chưa kịp đầu tư và năng lực cán bộ cấp trung, cấp cao của ngành chưa theo kịp xu thế. Ngoài ra, lực lượng lao động trong lĩnh vực da giày cũng không còn dồi dào như trước đây. Chẳng hạn, ở Bình Dương, do thiếu lao động, các DN đã phải đưa một phần gia công may mũ giày về các tỉnh miền Tây hoặc các tỉnh miền Trung.
Với trình độ công nghệ còn yếu, nhân lực thiếu như hiện nay, ngành da giày có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn trong làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc qua không?
|
Ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương |
Thực tế, các DN da giày có tiềm lực hiện đã có những đơn hàng tương đối dài và họ đã đoán trước được cách đây 2 năm nên khả năng đáp ứng tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu để phát triển hơn nữa, DN Việt Nam vẫn chưa thể làm được. Với những khó khăn này, tôi cho rằng, phải 2 năm tới, khi các DN ngành nói chung và ở Bình Dương nói riêng đã đầu tư đồng bộ hơn cho công nghệ, nhân lực, mới có thể đáp ứng được.
Vậy ngành da giày sẽ cần những giải pháp nào để đáp ứng được đơn hàng lớn và cơ hội từ các FTA?
Hiện nay, các DN lớn đã chủ động đầu tư công nghệ máy móc, thiết bị lập trình, hệ thống robot để thay đổi và đáp ứng xu thế phát triển trong những năm tới. Song những DN nhỏ, siêu nhỏ thì rất khó do họ chỉ gia công, trình độ vốn, công nghệ, năng lực rất hạn chế dẫn tới không thể nhận đơn hàng. Theo tôi, để thay đổi, DN cần quyết liệt bỏ cái cũ, thay đổi cách quản lý và quan tâm nhiều hơn tới giá trị sản phẩm, cũng như tính minh bạch trong quá trình sản xuất.
Để làm tốt, chúng ta phải liên kết lại vì nếu thực hiện một mình sẽ không có sức mạnh tập thể, khó mà thực hiện nhanh việc chuyển đổi số hóa sản xuất; số hóa sản phẩm. Ngoài ra, DN cũng phải quan tâm nhiều hơn cho người lao động, đào tạo người có năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy năng suất tăng lên. Đồng thời, đảm bảo môi trường sản xuất đạt chuẩn để khách hàng thấy được năng lực của chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu mà họ đưa ra. Riêng khâu phát triển sản phẩm, DN phải có thiết kế mới, hợp xu hướng thị trường và việc này cũng phải được quan tâm đầu tư mới có thể đáp ứng được.
Xin cảm ơn ông!
Theo giới chuyên gia, để tạo động lực cho ngành da giày, cần tập trung những cụm công nghiệp tập trung các DN vừa và nhỏ, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn. Ví dụ, một đơn hàng 100 nghìn/đôi bình thường, 1 DN làm trong 3 tháng, nhiều DN cùng nhau làm sẽ rút ngắn thời gian, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác về thời gian, chất lượng… |
Nguồn: Báo Công Thương
Tin khác