Ở Việt Nam, ngành da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo thống kê của Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tính đến năm 2020, ngành da giày Việt Nam đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp với hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện, làm ngưng trệ xuất khẩu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến doanh nghiệp và người lao động trong ngành. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam năm 2020 giảm 8,6% so với năm 2019. Khó khăn lớn nhất khi khách hàng tại các thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, EU đều hủy đơn hàng, tỷ lệ hủy đơn trung bình từ 30% - 70% dẫn đến 80% doanh nghiệp trong ngành đã buộc phải cắt giảm khoảng 50% lao động. Để các doanh nghiệp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ cần phải đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp; đồng thời bản thân các doanh nghiệp cũng cần tự thay đổi mình, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để sau khi đại dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất và xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định FTA, nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA.
Hiện nay, ngành công nghiệp da giầy ở nước ta đã phát triển rất nhanh và được xem là một trong những ngành công nghiệp chính đưa nền kinh tế phát triển. Ngành da giầy là một trong 3 ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sau dầu thô và dệt may, chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động, ngành da giầy đang là một ngành xuất khẩu mũi nhọn, thu hút hàng triệu lao động làm việc. Nhiều năm trở lại đây, ngành da giầy liên tục đạt được những bước tiến quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu khi "ghi tên” mình vào trong top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giầy. Riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, da giầy Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giầy của Việt Nam tăng dần theo các năm (Bảng 1).
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu da giầy của doanh nghiệp FDI các năm 2017 – 2021
Đơn vị: Tỷ USD
Năm |
Tổng |
Da Giầy |
Túi-cặp |
2017 |
14,45 |
11,82 |
2,65 |
2018 |
15,39 |
12,81 |
2,58 |
2019 |
16,66 |
13,95 |
2,71 |
2020 |
15,37 |
13,25 |
2,12 |
6T/2021 |
9,72 |
8,51 |
1,21 |
(Nguồn: Tổng cục Hải Quan)
Trong các thị trường xuất khẩu chính, khu vực châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2021 là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng da giầy của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Bắc Mỹ (Bảng 2). Để đạt được kết quả như vậy, một phần nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do FTA (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) đã tạo cơ hội và những chuyển biến tích cực cho xuất khẩu da giầy của Việt Nam.
Bảng 2: Xuất khẩu da giầy của Việt Nam sang các châu lục
Đơn vị: Triệu USD
Thị trường |
6T/2021 |
||
Tổng |
Da Giầy |
Túi xách |
|
Bắc Mỹ |
5.302,6 |
4.530,8 |
773,1 |
Châu Âu |
3.339,8 |
2.899,1 |
440,7 |
Châu Á |
2.698,5 |
2.336,9 |
361,6 |
Nam Mỹ |
277,3 |
274,6 |
6,1 |
Châu Đại Dương |
247,2 |
221,7 |
25,4 |
Thị trường khác |
217,7 |
141,3 |
76,4 |
Tổng kim ngạch XK |
12.083,1 |
10.404,5 |
1.683,2 |
(Nguồn: Tổng cục Hải Quan)
Như vậy, có thể thấy ngành da giầy Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức của hội nhập, các doanh nghiệp da giầy trong nước phải tự vươn lên, thay đổi mô hình sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, chủ động hội nhập để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Ngành da giầy là những ngành chịu tác động sớm nhất và kéo dài nhất của đại dịch Covid - 19. Với việc phải nhập khẩu trên 70% nguyên vật liệu sản xuất và xuất khẩu trên 90% sản lượng. Do các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ở các quốc gia áp dụng dẫn đến sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất như da thuộc, hóa chất, chất kết dính, thuốc nhuộm và các phụ kiện khác (đế, vật trang trí, khóa kéo…) được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin... Sự bùng phát Covid - 19 và các hạn chế thương mại trên toàn cầu sau đó, đã tạo ra sự khan hiếm các nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất. Từ tháng 3/2020, Hoa kỳ và nhiều nước châu Âu bắt đầu bị ảnh hưởng từ đại dịch, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được áp dụng, dẫn tới cú sốc kinh tế lớn tiếp theo, đặc biệt đối với mặt hàng xuất khẩu da giầy của Việt Nam, đa số các doanh nghiệp đều chịu tác động lớn và nhu cầu thị trường tiêu thụ suy giảm nghiêm trọng. Các chỉ số kinh tế trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 cho thấy rất rõ tác động của đại dịch. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, năm 2020 tổng kim ngạch nhập khẩu da thuộc chỉ đạt 1.343,8 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 (Bảng 3).
Bảng 3: Thị trường nhập khẩu da thuộc chính từ một số nước
Đơn vị: Triệu USD
TT |
Thị trường |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2T/2021 |
1 |
Trung Quốc |
277 |
311 |
325 |
380 |
378,1 |
69,4 |
2 |
Thái Lan |
161 |
174 |
232 |
241 |
195,9 |
31,3 |
3 |
Italy |
180 |
218 |
244 |
239 |
193,0 |
34,7 |
4 |
Hàn Quốc |
190 |
169 |
161 |
178 |
112,6 |
18,9 |
5 |
USA |
96 |
115 |
114 |
125 |
79,5 |
20,7 |
6 |
Đài Loan |
161 |
153 |
124 |
99 |
71,8 |
11,8 |
7 |
Ấn Độ |
88 |
92 |
109 |
88 |
56,3 |
9,8 |
8 |
Hồng Kông |
21 |
20 |
16 |
16 |
7,5 |
- |
9 |
Các nước khác |
- |
- |
- |
- |
- |
- |
Tổng |
1.559,0 |
1.620,0 |
1.628,0 |
1.671,0 |
1.343,8 |
235,2 |
(Nguồn: Tổng cục Hải Quan)
Vào đỉnh điểm của đợt bùng phát ở Trung Quốc, tình trạng thiếu nguyên liệu thô là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà sản xuất da giầy, gây ra sự gián đoạn lớn trên toàn thế giới. Khi tâm chấn của đại dịch đã dịch chuyển, đầu tiên là Châu Âu, sau đó đến Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới và tác động kinh tế ngày càng leo thang, các nhà máy ở nhiều quốc gia đã bị buộc phải đóng cửa.
Tại Việt Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam từ Phú Yên trở vào, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, vv…là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp, đã khiến 90% các nhà máy sản xuất da giầy tại các địa phương này phải đóng cửa, do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động, thuế, phí…
Tại các doanh nghiệp còn hoạt động, việc triển khai sản xuất gặp nhiều khó khăn do phải giảm ít nhất 50% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, bị đứt gẫy nguồn cung nguyên phụ liệu, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống Covid, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động. Hơn nữa, việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội đã gây khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới. Cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất da giầy.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid -19, tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép năm 2020 đạt 16,75 tỷ USD giảm 8,6% và xuất khẩu túi xách đạt 3,11 tỷ USD giảm 17,1% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 19,86 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019 (Bảng 4). Trong đó, mức giảm mạnh nhất tại Mỹ La tinh (-25,4%), EU (-15,4%), Bắc Mỹ (-8,4%) và châu Á (-5,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy vào 05 thị trường lớn nhất của Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) chiếm 81% tổng trị giá xuất khẩu da giầy. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu da giầy lớn nhất, mặt hàng giầy dép chiếm 39,8% thị phần và túi xách chiếm 43,2% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam. Tiếp theo là EU chiếm 23,4% thị phần về giầy dép và 23,5% về túi xách. Các thị trường khác là Trung Quốc (9,6% và 4,6%); Nhật Bản (4,9% và 8,8%) và Hàn Quốc (3,3 và 3,8%).
Bảng 4: Tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép và túi xách các năm 2016 – 2020
(Đơn vị: Tỷ USD)
Sản phẩm |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
|
Trị giá |
Giảm so 2019 |
|||||
Giầy dép |
13,00 |
14,70 |
16,24 |
18,33 |
16,75 |
- 8,6% |
Túi xách |
3,20 |
3,26 |
3,39 |
3,75 |
3,11 |
-17,1% |
Tổng |
16,20 |
17,96 |
19,63 |
22,08 |
19,86 |
-10,0% |
(Nguồn: Tổng cục Hải Quan)
Dịch Covid -19 xảy ra và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới làm sức mua của nền kinh tế toàn cầu giảm, hoạt động giao thương hạn chế, dẫn đến việc giãn, huỷ hay hoãn các đơn đặt hàng gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và giảm sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp. Sự gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, chủ yếu do các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc ảnh hưởng tới khu vực xuất khẩu không nặng bằng việc đóng cửa các chuỗi bán lẻ ở các thị trường tiêu thụ chính như Hoa kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc khách hàng hủy hoặc trì hoãn đơn hàng là một trong những tác động lớn nhất tới doanh nghiệp do các thị trường lớn bị giảm mạnh doanh số bán sản phẩm. Các thương hiệu lớn đã buộc phải đóng cửa các cửa hàng ở một số quốc gia và phải đối mặt với doanh số bán hàng giảm nghiêm trọng trên toàn thế giới. Cụ thể, doanh số bán hàng của thương hiệu giầy thể thao nổi tiếng Adidas tại Trung Quốc giảm 80% từ giữa tháng 01 và tháng 02 năm 2020.
Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid – 19 do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hay bị hoãn, hủy đơn hàng và chậm thanh toán, nên chịu căng thẳng về dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các biện pháp cắt giảm dòng tiền chi ra trong bối cảnh doanh thu hạn chế. Nhiều doanh nghiệp da giầy chịu ảnh hưởng đến doanh thu và có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các chi phí khác.
Trước diễn biến phức tạp và khó dự đoán của đại dịch Covid - 19, Chính phủ hay các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực da giầy, cần có các biện pháp phù hợp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất: Hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối với nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng, chống dịch. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những ngành xuất khẩu chủ lực. Hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu.
Thứ hai: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử số, kinh tế số.
Thứ ba: Đảm bảo dòng tiền thanh toán cho doanh nghiệp thông qua hình thức giãn nợ, gia hạn nợ. Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và đẩy nhanh các gói cứu trợ nền kinh tế tác động đến cả cung và cầu. Ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, phục hồi được tiêu dùng, từ đó phát triển sản xuất. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp có đầu ra (có các đơn hàng) nhưng thiếu vốn để sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính để vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư: Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cắt giảm các quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ nhất: Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu sản xuất.
Khi đối mặt với tác động từ cuộc khủng hoảng Covid - 19, các doanh nghiệp cần đưa ra các biện pháp ứng phó tức thì để phòng, chống dịch, giảm thiệt hại và duy trì hoạt động. Cụ thể, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, tổ chức lại sản xuất, chủ động đàm phán với khách hàng để giảm thiểu thiệt hại và phát triển thị trường nội địa, nhằm tìm khách hàng thay thế bù đắp khi thị trường xuất khẩu truyền thống bị giảm sút. Mặt khác, chú trọng đa dạng hoá nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đặc biệt với nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp da giầy Việt Nam trong tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường hay một nguồn cung nguyên vật liệu. Nếu xảy ra biến động từ thị trường nguồn cung, thì các doanh nghiệp khó có khả năng chống đỡ. Do vậy, cần hạn chế thấp nhất việc phụ thuộc vào một thị trường do tính rủi ro và thiếu bền vững. Thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương về khoa học và công nghệ, tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nước ngoài nhằm tận dụng hiệu quả tài nguyên, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng vật liệu nước ngoài.
Thứ hai: Áp dụng công nghệ, tự động hoá dây chuyền sản xuất.
Doanh nghiệp có thể cân nhắc phương án tinh gọn bộ máy lao động, giảm chi phí, cơ cấu và thiết lập lại hệ thống quản trị doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới. Tận dụng các sàn thương mại điện tử để bán hàng, chuyển kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng trên mạng internet nhằm cắt giảm chi phí.
Thứ ba: Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp da giầy.
Các doanh nghiệp da giầy Việt Nam có thể kết hợp với nhau lập ra một chuỗi cung ứng mới, để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn. Tìm cách kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp da giầy trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý... Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhau về vốn thay vì vay tiền từ ngân hàng cùng với các quyền lợi hấp dẫn hơn dành cho nhau. Để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA thì các nhà cung ứng tại Việt Nam phải nỗ lực chủ động nguyên vật liệu trong nước hay nhập khẩu từ các nước thành viên tham gia Hiệp định. Đại dịch Covid - 19 tạo thêm một lực đẩy quan trọng để thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp ngành da giầy. Liên kết để chia sẻ đơn hàng, đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ. Ngoài động lực từ đại dịch Covid - 19, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu sản xuất cũng đang thúc đẩy các doanh nghiệp da giầy tăng cường mua bán nguyên vật liệu trong nước.
Thứ tư: Gia tăng phát triển thị trường nội địa.
Ngoài các giải pháp nêu trên, doanh nghiệp da giầy cần tìm phương hướng điều chỉnh hình thức kinh doanh phù hợp trong tình hình mới, chuyển sang phát triển thị trường nội địa để thay thế cho sự sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu chính. Triển khai các hoạt động cụ thể như giới thiệu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời cần nghiên cứu tình hình dịch bệnh và thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể.
Tài liệu tham khảo
ThS. Nguyễn Hùng Sơn
Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Bộ Công thương
Tin khác