Đang gửi...
Đang tải...

Da giày Việt Nam: Nỗ lực vượt khó, kỳ vọng phát triển

  Ngày đăng: 25/06/2021

Là một trong những ngành chịu nhiều tác động do dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu da giày - túi xách năm 2020 của Việt Nam sụt giảm 9,6% so với năm 2019, đạt mức 16,6 tỷ USD, trở về mốc năm 2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành da giày vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Ngành đã từng bước đổi mới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì lực lượng sản xuất, tận dụng lợi thế từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA)... Đặc biệt, với sự tăng trưởng ở mức 2 con số vào tháng đầu tiên của năm 2021 đã cho thấy sự phục hồi trong sản xuất, kinh doanh và kỳ vọng vào sự phát triển trở lại trong năm 2021 khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới cũng như mọi mặt kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, ngành da giày của Việt Nam với 90% sản lượng là hàng xuất khẩu đã gặp phải không ít khó khăn khi các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn.

Ngay từ những ngày cuối của Quý I/2020, khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất da giày gián đoạn, nhiều doanh nghiệp trong ngành thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm sản lượng hàng. Cùng với đó, khi chuỗi cung ứng đứt gẫy, hoạt động xuất khẩu da giày của Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi các đối tác đặt hàng thay đổi phương thức đặt hàng và nhà cung cấp buộc phải thay đổi năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao hàng.

Các doanh nghiệp Việt phải chấp nhận và đáp ứng những điều kiện khắc nghiệt hơn khi thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá giao hàng lên tàu (FOB) giảm, minh bạch chuỗi cung ứng để người mua kiểm soát chuỗi... khiến lượng đơn hàng da giày của nước ta giảm đến 80% trong năm 2020. Đến cuối năm 2020 khi tình hình dịch bệnh tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Anh, EU… vẫn diễn biến phức tạp một số đơn đặt hàng trong năm vẫn tiếp tục bị kéo giãn thời gian giao hàng, các thị trường lớn của ngành da giày Việt đều giảm kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể, thị trường Mỹ chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường EU đứng thứ hai chiếm 25,4%, giảm 15,9%. Tiếp sau là thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Séc, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Luxembourg… tuy không là thị trường chính nhưng kim ngạch giảm cũng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó chồng khó.

Không chỉ vậy, so với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu khác, ngành da giày rất khó đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Trong khi toàn ngành có đến hơn 1.700 doanh nghiệp, sản lượng giày sản xuất trên 1,1 tỷ đôi/năm, túi xách, ba lô khoảng 400 triệu sản phẩm/năm… Song phần lớn sản phẩm da giày - túi xách sản xuất đều dành cho xuất khẩu nên không dễ tiêu thụ tại thị trường nội địa do giá thành cao.

Một vấn đề khác, dịch bệnh kéo dài đã làm thay đổi xu hướng cũng như thói quen tiêu dùng trên thị trường cũng đã phần nào khiến cho ngành da giày tiếp tục gặp khó khăn. Theo thống kê, hơn 60% người tiêu dùng đã cắt giảm mua sắm hàng thời trang. 65% người tiêu dùng chuyển từ hàng thời trang nhanh sang hàng cơ bản, lâu bền. Do vậy, các doanh nghiệp thiếu đầu ra cho sản phẩm và chưa chuyển đổi sản xuất kịp thời để đáp ứng sự thay đổi của thị trường, điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp da giày chỉ có thể sản xuất cầm chừng.
 



Ảnh minh họa: Nguồn internet
 

Mặc dù khó khăn là vậy, song nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với việc nỗ lực đổi mới, từng bước tận dụng các lợi thế khi Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới... ngành da giày đã dần “hồi phục”. Trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp da giày của Việt Nam đã chứng minh được khả năng làm R&D (nghiên cứu phát triển) và thiết kế mẫu là công đoạn mang lại giá trị gia tăng lớn trong sản phẩm của ngành da giày. Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) trước đây các nhãn hàng đều phải cử chuyên gia thiết kế qua Việt Nam để lên mẫu cho sản phẩm, nhưng do dịch bệnh, các nhãn hàng buộc phải để doanh nghiệp Việt tự chủ động cả về sản phẩm và thiết kế. Kết quả là đa số các chuỗi cung ứng, các nhãn hàng đều tin tưởng vào khả năng R&D và thiết kế của doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam đang thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành da giày thay vì chỉ làm gia công theo mẫu của các nhãn hàng trước đây.

Cùng với sự khẳng định về khả năng thiết kế và R&D, các chuyên gia cũng cho biết khả năng cung ứng vật tư của ngành da giày – túi xách Việt Nam hiện có sự phát triển theo chiều hướng tích cực khi nguồn nguyên liệu trong nước đã chủ động được khoảng 60%. Cụ thể, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành của ngành da giày – túi xách. Trong đó, gần như toàn bộ việc sản xuất đế giày, từ khuôn đế, hoàn thiện đế và các nguyên phụ liệu… doanh nghiệp Việt Nam đều đã chủ động. Cùng với đó, phần đóng gói, tem nhãn chiếm khoảng 7-8% thì Việt Nam cũng đã chủ động được toàn bộ. Điều này có được là nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu. Điển hình như Công ty CP Giày Gia Định đã thành lập những cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu da giày và chủ động thành lập các xưởng sản xuất phục vụ cho ngành, ngay khi nguồn cung nguyên liệu bị đứt gẫy và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Đặc biệt, do xu hướng thân thiện với môi trường cùng tính thời trang cao nên hiện đa số các nhãn hàng da giày đều dùng nguyên liệu vải dệt, PU và các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Do đó, phần da để sản xuất sản phẩm hiện chỉ chiếm chưa tới 2-3% tổng chi phí cho nguyên liệu của ngành giày. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1 năm 2021, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giày, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những nỗ lực nhằm đổi mới hoạt động sản xuất, từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp ngành da giày cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu. Theo đó, từ ngày 01/8/2020, khi EVFTA đi vào thực thi đã thắp sáng tia hy vọng cho xuất khẩu của ngành da giày vào thời điểm cuối năm. Quý cuối cùng của năm 2020 nhiều doanh nghiệp trong ngành bắt đầu nhận được các đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam, giúp khôi phục sản xuất.

Đánh giá về triển vọng chung của ngành da giày, các chuyên gia cho biết, hiện sản phẩm da giày của Việt Nam đang ở mức trung bình với giá xuất khẩu là 16,64 USD, trong khi giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 19,7 USD. Điều này cho thấy sản phẩm giày dép của Việt Nam đạt mức trung bình của thế giới và có giá trị khá cao so với các mặt hàng khác. Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2021 cũng là năm được các doanh nghiệp da giày kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh về đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu vì Việt Nam đang có lợi thế về phục hồi sản xuất sau Covid-19 so với các nước khác. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu. Các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, UKVFTA và Hiệp định RCEP được ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Anh vừa kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ đi vào thực thi trong năm 2021 sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành da, giày, túi xách trong thời gian tới.

Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho biết, mục tiêu của ngành trong năm 2021 là kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD để bù đắp cho những thiệt hại trong năm 2020. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trên thế giới, các doanh nghiệp ngành da giày cần tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Bởi theo ước tính, chỉ cần khoảng 5-10% đơn hàng tại Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam thì trong vòng 3-4 năm tới ngành da giày – túi xách Việt Nam có thể đạt được 30-40 tỷ USD.

Lefaso cũng cho rằng, ngành da giày cần kiên định chiến lược chủ lực tập trung cho xuất khẩu, tham gia mạnh vào chuỗi giá trị. Từ đại dịch Covid-19 cho thấy đứt gãy chuỗi cung gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất, buộc toàn ngành phải nhìn nhận lại chiến lược. Do đó, nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ rất bị động. Chính vì vậy, thời gian sắp tới là cơ hội rất tốt để toàn ngành và Chính phủ thiết lập lại chính sách mạnh hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Bên cạnh đó, ngành cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, ngành da giày cần quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững bởi trong các FTA thế hệ mới đều có đề cập tới các nội dung về phát triển bền vững. Điều này buộc tất cả các doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề về môi trường, lao động.

Với những cơ hội mới trong khó khăn cùng sự đổi mới trong sản xuất, ngành da giày Việt Nam đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng trở lại, từng bước xóa bỏ rào cản kỹ thuật và tiến sâu, rộng hơn vào thị trường thế giới trong thời gian tới./.
 

Nguồn; lefaso.org,vn  - http://consosukien.vn/

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp