Siêu thị đông nghẹt người mua, nhiều cửa hàng quá tải phục vụ người tiêu dùng… là thực tế đã diễn ra ở nhiều kênh phân phối bán lẻ những ngày qua.
Siêu thị đông nghẹt người mua, nhiều cửa hàng quá tải phục vụ người tiêu dùng… là thực tế đã diễn ra ở nhiều kênh phân phối bán lẻ những ngày qua.
Khách tăng, lợi nhuận có tăng?
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2021 đặt kỳ vọng vào nhóm doanh nghiệp (DN) hàng tiêu dùng và bán lẻ. Theo đó, các DN bán lẻ được nhắc tới nhiều do lượng khách tăng vọt trong giai đoạn giãn cách, một phần do tâm lý tích trữ của người dân, giúp doanh thu các chuỗi lập kỷ lục.
Tuy nhiên, doanh thu khả quan trong ngắn hạn không hẳn đã là tín hiệu tích cực với ngành bán lẻ lúc này. Đơn cử, Bách Hóa Xanh tháng 7 ghi nhận kỷ lục mới với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% cùng kỳ năm trước. Lưu lượng khách bình quân gấp hơn hai lần, còn lượng hàng tươi sống bán ra gấp 2-3 so với giai đoạn trước. Tăng trưởng vượt trội đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách Hóa Xanh trong tổng doanh thu của Thế giới Di Động (MWG) lên tới 45%, lần đầu tiên vượt chuỗi bán điện thoại và điện máy.
Doanh thu các chuỗi bán lẻ hiện đại tăng cao thời gian gần đây |
Tuy nhiên, doanh thu chủ yếu lại đến từ nhóm hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, là nhóm hàng không mang lại quá nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngược lại, các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các chuỗi bán lẻ lại có mức độ chênh lệch về nhu cầu và phụ thuộc rất lớn vào thu nhập của người tiêu dùng.
Thực tế tại hệ thống Coopmart, mặc dù các nhân viên luôn trong trạng thái quá tải phục vụ người tiêu dùng, song DN lại đang gặp khó khăn do chi phí tăng (chi phí lao động, xét nghiệm, giao hàng…) khiến cho tổng lãi gộp bán hàng giảm mạnh.
Đáng chú ý, sự phân hóa này diễn ra không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà đã trở thành thực trạng chung trên toàn thế giới. Các sản phẩm thiết yếu thiếu hụt, các chuỗi bán mặt hàng này tăng trưởng đột biến, nhưng phần còn lại của ngành bán lẻ rơi vào tình cảnh ảm đạm, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ cũng bị kéo giảm theo.
Thời điểm tái cấu trúc?
Trong bối cảnh hàng loạt kênh phân phối truyền thống bị đóng cửa do liên quan đến các ca F0, giai đoạn giãn cách được xem là cơ hội cho các kênh bán lẻ hiện đại chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.
Thực tế, cấu trúc ngành bán lẻ của Việt Nam cho tới trước khi đại dịch bùng phát vẫn chủ yếu là các kênh truyền thống. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện các kênh phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% tổng dung lượng của thị trường bán lẻ, còn lại là kênh phân phối truyền thống. Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vốn ưa chuộng các kênh bán lẻ truyền thống nhờ sự tiện lợi, giờ đã ưu tiên nhiều hơn cho các kênh phân phối hiện đại bởi kênh truyền thống đang tạm đóng cửa, và kênh phân phối hiện đại với sự phủ sóng rộng hơn, sâu hơn đến các khu dân cư.
Báo cáo của VDSC chỉ rõ: "Trong đại dịch Covid-19, thị trường đã chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Mặc dù các kênh bán hàng truyền thống sẽ không thể bị thay thế, nhưng xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng". Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đa dạng hơn mô hình phân phối, chiếm lĩnh tốt hơn lòng tin người tiêu dùng khi đại dịch được kiểm soát.
Thực tế, các kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đã được người tiêu dùng ưa chuộng hơn trong nhiều năm gần đây và đại dịch Covid - 19 là chất xúc tác để mô hình bán lẻ này phủ sóng rộng hơn đến người tiêu dùng. |
Tin khác