Đang gửi...
Đang tải...

Phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình của “Kinh tế tuần hoàn”

  Ngày đăng: 06/11/2021

Từ năm 2005 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 lần phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Sau thời gian thực hiện, các định hướng phát triển ngành ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, tuy chưa đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra nhưng cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Theo tính toán, sau khi các dự án triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp, tiệm cận với chỉ tiêu của các bản Quy hoạch. Giai đoạn tới, để ngành hóa chất Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho công nghiệp nước nhà, đòi hỏi có bước đột phá trong chiến chiến lược phát triển.

Giải bài toán quy hoạch

Trên cơ sở thực hiện Chiến lược, Quy hoạch 2005-2010 của ngành hóa chất, việc làm được và chưa làm được, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030. Theo đánh giá của lần quy hoạch thứ 2 này, cơ cấu ngành khá phù hợp, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu trong nước về phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, săm lốp, chất tẩy rửa, khí công nghiệp, sơn mực in... Các dự án mới, đặc biệt là các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản góp phần khiến cho chủng loại sản phẩm hóa chất trong nước sản xuất đa dạng hơn.


Công nghệ sản xuất lốp ô tô Radial tại DRC đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

Các cơ sở sản xuất hóa chất được phân bố trên cả 6 vùng kinh tế trong cả nước. Đã bước đầu hình thành một số Tổ hợp công nghiệp hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung; một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất như: Khu Hóa chất hóa dầu Đình Vũ, cụm các Khu công nghiệp Phú Mỹ - Cái Mép, khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai...

Hiện nay, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp.

Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 đã đạt những thành quả nhất định:

Ngành phân bón Việt Nam đã cung cấp đủ cho các nhu cầu nội địa hầu hết các loại phân bón. Các sản phẩm phân lân chế biến và NPK đã xuất khẩu một phần sang thị trường khu vực. Riêng phân đạm hiện nay đang dư cung khoảng 500.000 tấn/năm và tiếp tục dư cung trong những năm tới do nhu cầu phân bón vô cơ có xu hướng giảm.

Thuốc bảo vệ thực vật đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhiều doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư sản xuất lốp xe tại Việt Nam như Bridgestone, Kumho, Sailun..., đưa Việt Nam thành nước xuất siêu về lốp xe.

Sản xuất khí công nghiệp: Một số dự án sản xuất khí công nghiệp được tích hợp trong các nhà máy hóa chất lớn, ngoài ra, còn có một số nhà đầu tư các dây chuyền độc lập (Messer, Airliquide…) cung cấp khí sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp (hàn cắt, nguyên liệu) và lĩnh vực y tế (O2, N2…), sản xuất thực phẩm ...

Cấp thiết xây dựng chiến lược

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển chung của toàn ngành, cơ cấu ngành về sản phẩm và vùng lãnh thổ vẫn còn chưa hợp lý. Chính vì vậy, việc lập Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 là rất cần thiết và cấp bách nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được đặt ra của giai đoạn trước cũng như trong giai đoạn tới.

Đó là chủ trương đúng nhằm đưa việc phát triển bền vững ngành CNHC Việt Nam, tiến tới trở thành ngành công nghiệp hiện đại với cơ cấu ngành tương đối đồng đều, hoàn chỉnh. Các lĩnh vực như phân bón, cao su kỹ thuật và tiêu dùng, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa chất tinh khiết, hóa dược, hóa chất tiêu dùng đã dần đáp ứng được nhu cầu trong nước, sau khi có chiến lược sẽ tiến tới xuất khẩu, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Mặt khác, chiến lược phát triển ngành CNHC Việt Nam sẽ giúp cho sự cân đối, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cân đối hài hòa với Chiến lược của các ngành khác. Phải đảm bảo tính lâu dài, vừa đảm bảo linh hoạt để có thể điều chỉnh thích ứng với những thay đổi do nhu cầu của nền kinh tế thị trường.

Cùng với đó, việc xây dựng chiến lược sẽ đóng vai trò định hướng giúp cho các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành CNHC Việt Nam. Chiến lược sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hóa chất xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của ngành CNHC trong giai đoạn sau này.

Mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040

Mục tiêu Chiến lược phát triển ngành CNHC Việt Nam phải phù hợp với Chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam, một số Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp khác, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các địa phương…góp phần thực hiện thành công Nghị quyết TW Đảng lần thứ XIII về phát triển…

Xây dựng, phát triển ngành CNHC Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, đóng góp cho sự phát triển chung của một số ngành công nghiệp quan trọng khác nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân, hướng tới xuất khẩu;

Phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo mô hình của “Kinh tế tuần hoàn” cơ cấu sản phẩm phù hợp, hoàn chỉnh từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm; phát triển các tổ hợp hoá chất tập trung, trung tâm logistics về hoá chất nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong toàn ngành trên cơ sở lựa chọn vị trí địa-kinh tế, chính trị thuận lợi, có lợi thế về nguồn nguyên liệu; phát huy năng lực của mọi 18 thành phần kinh tế, chú trọng đến năng lực của các nhà đầu tư trong nước mà đặc biệt là những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực.

Đồng thời với việc khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án quy mô lớn, hiện đại, thân thiện với môi trường cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đầu tư chiều sâu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cấp công nghệ trung bình đến lạc hậu hiện có, xây dựng lộ trình chấm dứt khai thác với các cơ sở sản xuất ô nhiễm, tiềm ẩn nguy co mất an toàn để hướng đến một ngành công nghiệp hoá chất tiên tiến, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Phát triển công nghiệp hoá chất phải đồng hành với phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng và cung ứng các dịch vụ kỹ thuật khác với đặc thù của công nghiệp hoá chất, từng bước hình thành và phát triển mạng lưới dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp hoạt động sản xuất và sử dụng hoá chất và sản phẩm hoá chất.

Theo Tạp chí Công Thương

 

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp