Đang gửi...
Đang tải...

Khoa học công nghệ giải quyết “thách thức” thực tiễn sản xuất

  Ngày đăng: 21/03/2022

Năm 2021, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ 311 nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia; các địa phương đã triển khai 2.104 nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN đã giúp cho địa phương giải quyết nhiều vấn đề lớn cũng như những thách thức đặt ra từ thực tiễn sản xuất.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Bích Liên).

Chiều 17/3, tại TP Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần văn Tùng cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.  

Ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Trong các Nghị quyết này, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được đề cập nhiều. “Có thể nói Chính phủ đã coi KH,CN &ĐMST là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hội nghị là dịp để toàn ngành tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ với các Sở KH&CN, giữa các địa phương với nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung là triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao, KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ KH&CN cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức riển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp KH&CN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ tợ 311 nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, các địa phương đã triển khai 2.104 nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN đã giúp cho địa phương giải quyết  nhiều vấn đề lớn cũng như những thách thức đặt ra từ thực tiễn sản xuất.

Về lĩnh vực khoa học nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Việt nam ước đạt 47 tỷ USD.  Năm 2021, theo báo cáo các địa phương, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đức…cao nhất từ trước đến nay. Đã sản xuất hơn 400 ha Na được chứng nhận xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.200 tỷ đồng,

KH&CN đã tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn như: khảo nghiệm các giống cây; phục tráng và chuyển giao thành công quy trình kỹ thuật canh tác và giống lúa Khẩu Hốc siêu nguyên chủng; chọn tạo được bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ gieo trồng; làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm chất lượng cao có khả năng kháng 5 loại bệnh nguy hiểm; làm chủ được công nghệ nuôi cá tra tạo ra năng suất trung bình khoảng 300 tấn cá tra/ha…

Về lĩnh vực khoa học y - dược, được quan tâm đầu tư tập trung nghiên cứu dược liệu, phát triển y học cổ truyền, đề xuất chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh y tế cộng đồng…

Về hoạt động KH&CN phục vụ phòng chống dịch COVID-19, KH&CN đã thể hiện rõ vai trò trong phòng chống dịch như: Xây dựng Bản đồ số tổng hợp số liệu về dịch COIVD-19; chuyển giao ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh COVID-19; ứng dụng công nghệ sản xuất dung dịch nước rửa tay sát khuẩn nhanh hỗ trợ các khu cách ly và chốt kiểm dịch; nghiên cứu thành công máy xét nghiệm PCR và 20.000 bộ kít tầm soát nhanh…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại các địa phương vẫn tồn tại những hạn chế như: nguồn kinh phí cho KH&CN còn thiếu, chưa có cơ chế khơi thông nguồn lực  đầu tư cho KH,CN & ĐMST; nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng…

Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh hoạt động KH,CN & ĐMST tại địa phương, năm 2022 Bộ KH&CN và các Sở KH&CN địa phương sẽ  đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN &ĐMST giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đầu tư tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập; tăng cường hợp tác với tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế; tìm kiếm và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hợp tác trong công tác nghiên cứu giải quyết tốt các vẫn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của từng địa phương.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa Bộ KH&CN và các địa phương  trong việc triển khai nghiên cứu , phát triển đồng bộ chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng có tính liên vùng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, ngành KH&CN sẽ tăng mức đầu tư cho hoạt động KH&CN để dần đảm bảo tỷ lệ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực cho hoạt động KH&CN của địa phương.

Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận về giải pháp phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp; thúc đẩy hình thành tổ chức, doanh nghiệp KH&CN; cơ chế khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu  khoa học, ứng dụng  kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh…/.

Theo https://dangcongsan.vn/

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp