Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Da - Giầy của Việt Nam khá phát triển, kim ngạch xuất khẩu thường đứng hàng thứ ba sau Dầu thô và Dệt - May. Công nghiệp thuộc da là ngành phát triển khá nhanh kể từ những năm 90 thế kỷ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thuộc da đang đứng trước thử thách lớn do chất thải trong sản xuất gây ô nhiễm nặng cho môi trường và nhiều doanh nghiệp chưa tạo ra được sản phẩm hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu. Về nguồn nhân lực, hầu hết lao động ở các cơ sở thuộc da không qua đào tạo chính quy, mà chủ yếu học nghề thông qua kèm cặp trong thời gian sản xuất, cán bộ kỹ thuật là những người không được đào tạo đúng chuyên ngành thuộc da, chủ yếu trưởng thành qua công việc, thông qua việc hướng dẫn của chuyên gia các hãng hoá chất hoặc qua các hội thảo khoa học về công nghệ thuộc da; đến nay, ngành thuộc da chưa có trường đào tạo chuyên ngành ở Việt Nam.
Áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc và xử lý chất thải là mối quan tâm chung trên thế giới. Vì vậy các nước, nhất là các nước như Pháp, Đức, Ý, Ấn Độ đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực quan trọng này và đã ứng dụng thành công trong thực tế. Do sự chuyển dịch sản xuất và do nỗ lực bảo vệ môi trường chung của thế giới, các công trình nghiên cứu trên cũng đã được tổ chức UNIDO phổ biến ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á.
Viện Nghiên cứu Da Trung ương Ấn Độ (CLRI) được đánh giá là một trong những Viện nghiên cứu lớn nhất thế giới về lĩnh vực Da - Giầy hiện nay. Chỉ riêng thành tựu của 02 năm (2009-2010) Viện đã đạt được mục tiêu chiếm giữ 30% thị phần về xuất bản của tạp chí Hiệp hội các nhà hoá học thuộc da (JALCA), được công nhận 12 bằng phát minh, sáng chế, trong đó 05 bằng phát minh ở Mỹ, 03 bằng phát minh sáng chế quốc tế, số còn lại ở Ấn Độ và một số nước khác. Trong lĩnh vực môi trường, Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu xử lý chất thải trong lĩnh vực Da - Giầy và thực hiện thành công đề án áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân môi trường ở hơn 680 nhà máy thuộc da ở Tanil Nada. Tham gia thực hiện thành công dự án ẤN - ÂU về công nghệ sạch cho sản xuất da thuộc tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, phát triển xử lý sinh học hiệu quả, thiết kế các cơ sở xử lý chất thải tập trung với chi phí thấp cho các cơ sở thuộc da. Xây dựng, thiết kế, hướng dẫn công nghệ xử lý nước thải cho 25 khu xử lý tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ sạch cho hơn 75 cơ sở thuộc da (nguồn từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Da Trung ương Ấn Độ năm 2010).
Từ yêu cầu thực tế, Viện Nghiên cứu Da-Giầy Việt Nam đã cùng Viện CLRI tiến hành thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo nghị định thư: “Hợp tác nghiên cứu xử lý nước thải và áp dụng công nghệ sạch vào ngành Công nghiệp Thuộc da”, mã số: 02/2009/HĐ-ĐTNĐT.
Chuyên gia của 2 viện đã cùng nhau nghiên cứu áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc và xử lý nước thải thuộc da vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Cụ thể:
Đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc, từ công đoạn bảo quản da nguyên liệu (không dùng muối), sử dụng chế phẩm enzym thay thế cho Na2S trong hồi tươi, tẩy lông, tẩy vôi bằng khí các bon níc (CO2), làm xốp giảm thiểu Clorua natri (NaCl) và axít, quay vòng và tái sử dụng nước thải… sản phẩm tạo ra đạt đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu EU Directive 76/769/EEC
Đã nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ xử lý nước thải trong công nghiệp thuộc da, cụ thể hóa qua mô hình xử lý nước thải công suất 0,5 m3 nước thải/giờ tại Viện Nghiên cứu Da - Giầy Việt Nam. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT
Kết hợp nghiên cứu, 2 viện cũng đã tổ chức đào tạo nâng cao về công nghệ sạch và công nghệ xử lý nước thải trong lĩnh vực thuộc da tại Ấn Độ và Việt Nam.
Thành công của nghiên cứu đã hoàn thiện và khẳng định được tính khả thi của công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động KHCN của Viện và Ngành, từng bước nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra các loại sản phẩm chất lượng cao và an toàn môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của da thuộc Việt Nam; tạo điều kiện cho ngành công nghiệp da - giầy phát triển bền vững, mở ra khả năng triển khai nhân rộng trong các nhà máy thuộc da, nâng cao trình độ công nghệ, tạo công ăn việc làm, từng bước thay thế sản phẩm da mềm làm nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Cũng qua thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế này, chúng ta đã thiết lập được mối quan hệ với các nước, đặc biệt là Ấn Độ (một nước có trình độ thuộc da tiên tiến, có các điều kiện tự nhiên, xã hội gần gũi với Việt Nam) trong hợp tác hỗ trợ cùng phát triển. Qua đó, thường xuyên cập nhật trao đổi thông tin mới về KHCN của ngành Da - Giầy thế giới.
Tin khác