Đang gửi...
Đang tải...

Hà Nội đánh thức doanh nghiệp khoa học, công nghệ

  Ngày đăng: 01/06/2022

Đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 200 DN khoa học và công nghệ, Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích loại hình DN này. Tuy vậy, so với tiềm năng thì số lượng DN còn khiêm tốn, sức cạnh tranh chưa cao, đòi hỏi TP cần nhiều chính sách hấp dẫn hơn.

Thiếu cả chất và lượng

Tính đến tháng 5/2022, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 122 DN khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được chứng nhận trên tổng số khoảng 600 DN KH&CN của cả nước. Cơ sở hình thành DN KH&CN của Hà Nội khá đa dạng, trong đó chủ yếu hình thành từ phần mềm máy tính (38%) và bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (34%).

Bên cạnh đó, lĩnh vực hoạt động của các DN KH&CN cũng khá phong phú, bao gồm công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế; công nghệ vật liệu mới; công nghệ bảo vệ môi trường  và một số công nghệ khác (hóa dược; công nghệ tích hợp: Cơ khí, chế tạo máy, điện, điện tử, điều khiển, tự động hóa). Đây là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, so với tổng số hàng chục ngàn DN trên địa bàn TP, cùng tiềm năng về KH&CN của một Thủ đô, thì số lượng 122 DN KH&CN là quá khiêm tốn. Mặt khác, trong số 122 DN đã được chứng nhận mới chỉ có 3 DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực.


Phân xưởng lắp ráp đèn Led hiện đại của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Thùy Linh

Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH&CN Hà Nội) Lê Thanh Hiếu nhìn nhận, đa số các DN KH&CN trên địa bàn TP thuộc loại nhỏ hoặc siêu nhỏ, cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN còn thiếu. Số lượng cơ sở ươm tạo công nghệ và tạo ươm DN KH&CN còn ít, chất lượng hoạt động chưa cao, chủ yếu hoạt động như một đơn vị cho thuê phân xưởng và máy móc. Nhiều dịch vụ quan trọng khác như đào tạo, tư vấn, kết nối nhà đầu tư, kết nối với các DN lớn vẫn chưa được cung cấp.

Theo bà Lê Thanh Hiếu, việc chưa hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh loại hình DN này, là rào cản không nhỏ trong việc thành lập cũng như phát triển DN KH&CN thời gian qua. Trên thực tế, DN gặp khó trong việc nhân rộng, phát triển các sản phẩm KH&CN do tiếp cận nguồn vốn khó khăn, lãi suất cao; DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đầu tư mới, do thiếu thông tin về nguồn vốn và quy trình vay ưu đãi.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Sinh học và môi trường - TS Lê Văn Tri cho rằng, vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ. Mặt khác, thị trường KH&CN còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao. Vai trò quản lý của Nhà nước và lực lượng quản lý thị trường dành cho thị trường KH&CN còn lỏng lẻo. Sản phẩm sở hữu trí tuệ thường bị đánh đồng với các sản phẩm thông thường khác khiến các nhà khoa học không có động lực nghiên cứu.

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Hội DN Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội Lưu Hải Minh phản ánh, Luật DN năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về DN KH&CN có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Tuy nhiên, các DN khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ, trong khi đó, tài sản trí tuệ là tài sản lớn nhất của DN khởi nghiệp sáng tạo.

Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ gây cản trở cho các DN khởi nghiệp và nhà đầu tư. Các DN (đang hoạt động) cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ (kể cả bằng sáng chế đã được bảo hộ) làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đây cũng là một rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư.


Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hùng

Cần thêm đòn bẩy từ chính sách

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ khi “Chiến lược KH&CN của TP” được ban hành năm 2012 và Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành năm 2013, Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ DN. Thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, Sở KH&CN đã tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai một số hoạt động để hỗ trợ DN đổi mới, tiếp nhận công nghệ, nâng cao tiềm lực KH&CN, đặc biệt là bố trí nguồn lực để hỗ trợ hình thành và phát triển DN KHCN.

Hà Nội tiếp tục duy trì là một trong hai địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ và phát triển DN KH&CN, đã chú trọng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, giới thiệu chính sách và hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có tối thiểu 200 DN KH&CN, bên cạnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về “Hỗ trợ phát triển DN KH&CN đến năm 2025”, Sở đang nghiên cứu, tham mưu UBND TP xem xét, bổ sung một số giải pháp đột phá để tăng nhanh số lượng và chất lượng DN tương xứng với tiềm lực KH&CN của Thủ đô.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với UBND TP bố trí quỹ đất, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ thuê đất cho DN theo quy định. Quỹ Đầu tư phát triển TP hoàn thiện hành lang pháp lý các quỹ đang được TP giao quản lý, làm căn cứ triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các DN KH&CN tiếp cận, vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Với lợi thế là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, xã hội hàng đầu của cả nước, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển DN KH&CN. Do đó, TP cần sớm “đánh thức” DN KH&CN bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự kết nối với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các viện, trường…

Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Sinh học và môi trường - TS Lê Văn Tri

Đứng ở góc độ DN, Giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong đề xuất, để thúc đẩy các DN tham gia nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, Nhà nước và TP nên điều chỉnh xây dựng mức hỗ trợ kinh phí phù hợp cho nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ DN KH&CN hoàn thiện, đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển DN bền vững.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Hồng Thu cho rằng, hoạt động KH&CN chỉ từ phía DN là chưa đủ. Công ty mong muốn các kết quả KH&CN và đổi mới sáng tạo ra đời được Nhà nước hỗ trợ công tác truyền thông, tuyên truyền và xúc tiến thương mại để đem lại hiệu ứng lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn. Nhà nước cũng cần xây dựng các yêu cầu kỹ thuật, thương mại để quản lý, giám sát sản phẩm theo cấp chất lượng cho sản phẩm chiếu sáng LED. Ưu tiên các sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, sản phẩm của người Việt.

Để phục vụ nhiệm vụ KH&CN cấp TP “Xây dựng chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo của TP đến năm 2030” và góp ý xây dựng “Luật Thủ đô” (sửa đổi), ngày 31/5, Sở KH&CN Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các DN Hà Nội đến năm 2030”. Tại hội thảo, đại diện các DN, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Sở KH&CN Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển các DN KH&CN trên địa bàn.

Theo Báo Kinh tế đô thị

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp