Trao đổi về những thách thức để có độ bền màu đạt yêu cầu đối với da lộn và da nubuck.
Bởi Mark Southam
Da lộn (suede) và da nubuck được sử dụng rộng rãi trong sản xuất giày dép đi hàng ngày và giầy thể thao, cũng như trong một số giày chuyên dụng sử dụng trong công nghiệp và du lịch mạo hiểm. Cả hai vật liệu này được dùng để làm các sản phẩm thời trang nhờ vào hiệu ứng bề mặt da và khả năng sáng màu của chúng.
Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp và nhà bán lẻ nhận thấy rằng để đạt được độ bền màu theo yêu cầu là một thách thức và nguy cơ thuốc nhuộm thấm từ da của giầy sang các vật mà chúng tiếp xúc có thể bị khách hàng khiếu nại, đòi bồi thường, như làm thấm màu ra quần áo, thảm, đồ nội thất…có thể gây tốn kém và phiền phức cho doanh nghiệp.
Hình 1: Da lộn và nubucks sau nhuộm bị chuyển màu là điều không thể chấp nhận đối với người sử dụng giầy
Mặc dù có điểm chung giữa da lộn và da nubucks là các sợi da lộ ra trên bề mặt, nhưng chúng là những chất liệu rất khác nhau. Trong cả hai trường hợp, vì không có lớp hoàn thiện nào được phủ lên bề mặt da trong quá trình thuộc da nên để có màu theo ý muốn phải thông qua sử dụng thuốc nhuộm. Màu càng đậm thì càng cần nhiều thuốc nhuộm.
Thật không may, da lộn và nubucks thường có màu sắc trầm, đậm, trong khi giầy thời trang thường sử dụng màu sáng. Để thuốc nhuộm thấm sâu và đều, thợ thuộc da phải sử dụng hàm lượng thuốc nhuộm cao, ngoài ra còn bổ sung thêm 'thuốc nhuộm bóng (shading dyes)” để tăng độ bóng của màu. Tuy vậy, sẽ không tránh khỏi có một lượng thuốc nhuộm không thấm hết sót lại trên da.
Những yếu tố trên khiến cho da lộn và da nubucks có nguy cơ bị lem màu và bay màu cao hơn so với các loại da hoàn thiện thông thường (xem hình 1). Có nhiều cách để giảm sự bay màu, đơn giản và rẻ tiền nhất là sử dụng ít thuốc nhuộm ngay từ đầu. Điều này có nghĩa là màu nhuộm sẽ có độ thẩm thấu nông hơn trên mặt da.
Pha thuốc nhuộm
Việc lựa chọn thuốc nhuộm có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến tính bền màu của da. Có nhiều loại thuốc nhuộm khác nhau được sử dụng trong thuộc da, nhưng thuốc nhuộm 'anionic' (tích điện âm), dùng với axit và nhuộm trực tiếp, được lựa chọn nhiều nhất. Tùy theo nhu cầu cần thẩm thấu, thuốc nhuôm có thể cải thiện màu nhuộm trên da và giữ được độ bền màu lâu.
Ngoài ra còn có các loại thuốc nhuộm anionic tiền-kim loại (pre-metallised dyes) có giá đắt hơn, thường được sử dụng khi cần nhuộm màu sáng, có độ bền lâu. Dùng thuốc nhuộm sẽ tốn kém chi phí và chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giá thành thuộc da lộn hoặc da nubuck. Thuốc nhuộm chất lượng càng cao thì giá càng đắt. Nếu bề mặt da bị lem màu do thuốc nhuộm kém chất lượng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các xưởng thuộc da cũng có những cách khác để cải thiện độ bền màu. Phổ biến nhất là đánh bóng bề mặt da trước khi nhuộm sẽ làm giảm các sợi rời và bột bám trên bề mặt da, là nguyên nhân có thể làm phai màu của da thành phẩm.
Khả năng chống phai màu kém dưới ánh sáng mặt trời có thể làm mất niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu
Khả năng tránh cho thuốc nhuộm bị lem màu trên bề mặt da cũng có thể được cải thiện bằng cách kiểm soát kỹ các thông số trong quy trình nhuộm, quá trình xác định liều lượng thuốc đưa vào thùng nhuộm - chẳng hạn như thông số về tác động cơ học, nồng độ thuốc nhuộm, độ pH và thời gian nhuộm.
Để đạt được kết quả tối ưu, thuốc nhuộm được đưa vào thùng nhuộm trong trạng thái pha hòa tan với nước để màu nhuộm có sự đồng đều (độ bóng đều) và mức độ thẩm thấu đều trên tấm da. Để có độ thẩm thấu sâu của thuốc nhuộm, có thể nhúng lại tấm da nhiều lần trong thùng nhuộm. Thuốc nhuộm thường được 'cố định' bằng cách sử dụng axit formic. Việc bổ sung một số liều lượng thuốc nhuộm sẽ giúp cố định màu tốt hơn và nước hòa thuốc nhuộm trong thùng nhuộm cạn đi sẽ giúp tấm da hấp thụ được hết thuốc nhuộm hòa tan trong nước.
Một phương pháp khác ít được sử dụng hơn, là bổ sung 'chất trợ nhuộm'. Đây là những hóa chất và tác nhân như chất hoạt động bề mặt, chất làm phẳng, chất tăng độ bóng và chất cố định, được thêm vào riêng biệt hoặc đôi khi cùng lúc với thuốc nhuộm. Các chất trợ nhuộm này, đặc biệt là các chất cố định sẽ tạo môi trường để các phân tử thuốc nhuộm có thể liên kết hóa học với da, nhờ vậy cải thiện đáng kể độ bền của màu nhuộm trên da thành phẩm và các chi phí do sử dụng chất trợ nhuộm có thể được bù đắp do giảm được các khiếu nại đòi bồi thường do chất lượng nhuộm kém. Tuy nhiên, sử dụng càng nhiều thuốc nhuộm thì cũng dễ mắc lỗi nhiều hơn. Do đó, nếu sử dụng ít thuốc nhuộm hơn sẽ ít phải sửa các lỗi và giảm được chi phí nhuộm da.
“Chất hãm màu” bề mặt da
Không nên nhầm lẫn “chất hãm màu” sử dụng trong quy trình thuộc da ướt với “chất định hình bề mặt” thường được dùng cho da thành phẩm. Chất hãm màu bề mặt da đôi khi được sử dụng như một biện pháp khắc phục, để cải thiện các vật liệu da có độ bền màu rất kém và thường được dùng cho giày dép thành phẩm.
SATRA đã nghiên cứu nhiều chế phẩm bề mặt này và mặc dù một số chế phẩm có cải thiện một chút độ bền màu khi giầy còn mới (thể hiện qua một thử nghiệm cọ xát đơn giản), nhưng hiệu quả chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau khi sử dụng một thời gian, chất hãm màu - và sau đó là màu sắc - sẽ sớm bị bay màu.
Một vấn đề quan trọng khác là những chất hãm màu này dễ bị bay mất trong khi vận chuyển, khi bị chà sát bề mặt da và làm mất cảm giác mượt khi xoa tay trên mặt da lộn hoặc nubuck, điều này thường không được các nhà bán lẻ và khách hàng chấp nhận. Sau khi da lộn hoặc da nubuck nhuộm được làm khô sau thuộc da, không có cách nào có thể cải thiện tính bền màu của da.
Mức độ bền màu 'chấp nhận được'
Nhiều thông số thử nghiệm do SATRA thực hiện có yêu cầu về độ bền màu thấp hơn (đặc biệt đối với các thử nghiệm ướt) đối với da lộn và nubucks so với da thật (grain leather). Lý do được cho là do thực dụng - những vật liệu chất lượng thấp này được chấp nhận vì không có vật liệu nào tốt hơn – tất nhiên là với mức giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng bình thường không nghĩ đến đây là loại da gì khi thấy giày dép làm dính thuốc nhuộm vào chân, hoặc thậm chí vào quần áo và đồ đạc của họ. Ngay cả khi đã có cảnh báo khi bán hoặc trong thông tin cung cấp cho khách hàng nói rằng da màu đậm sẽ có nguy cơ thấm màu cao, cũng không ngăn được khách hàng phàn nàn nếu họ cảm thấy giầy bị bay màu quá nhiều.
Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chỉ trích nhiều hơn đối với tất cả các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của họ. Những lời phàn nàn về việc sản phẩm da bị bay màu vì thế ngày càng tăng.
SATRA luôn khuyến nghị rằng bất kể loại vật liệu nào được sử dụng trong sản xuất giày dép, đều phải áp dụng các tính năng giống nhau.
Màu sắc đậm cũng có thể dễ bị phai màu dưới nắng mạnh, chẳng hạn như sản phẩm bày trong tủ kính để phía cửa sổ của cửa hàng. Do đó, việc thử nghiệm tất cả các khía cạnh về đặc tính độ bền màu của các màu đậm là điều cần thiết.
Thử nghiệm độ bền màu
Để đánh giá nguy cơ bay màu thuốc nhuộm, cần xem xét thử nghiệm cả cọ xát và tiếp xúc ướt. Thử nghiệm đơn giản nhất để xác định rủi ro chuyển màu do cọ xát là dùng 'máy đo crockmeter', được mô tả trong SATRA TM167: 2017 - 'Phép thử độ bền màu khi cọ xát - máy đo crockmeter'. Dùng một miếng bông trắng tiêu chuẩn quấn quanh một “ngón tay” hình trụ và chà trên mẫu da mười lần (xem hình 2). Sau đó, miếng bông được tháo ra để đánh giá mức độ vết bẩn trên miếng bông. Thử nghiệm được tiến hành với cả bông khô và bông ướt.
Hình 2: Thử nghiệm bằng crockmeter là cách nhanh chóng và đơn giản để đánh giá độ chuyển màu do cọ xát, các mức thử nghiệm cụ thể phải phù hợp theo yêu cầu khách hàng
Để đánh giá độ chuyển màu nhuộm qua vết màu trên miếng bông người ta sử dụng Thang màu chuẩn Grey Scale – với chín cặp bảng màu, mỗi cặp minh họa sự khác biệt màu qua cảm nhận, được xếp hạng '5', '4/5', '4', '3/4', '3' , '2/3', '2', '1/2' và '1'. Hạng 5 là tốt nhất, tức là không có vết bẩn nào; còn hạng 1 là xấu nhất, cho thấy miếng bông bị bám màu nhiều.
Phép thử SATRA TM335: 2018 – 'Độ bền màu với nước và mồ hôi', như tiêu đề cho thấy, đây là một thử nghiệm tiếp xúc ướt, dùng để xác định nguy cơ biến màu từ vật liệu do tác động của nước hoặc mồ hôi. Mẫu da thử được giữ tiếp xúc với một bộ mẫu vải tiêu chuẩn, bao gồm các dải vải làm từ các sợi khác nhau (acrylic, cotton, nylon, polyester, acrylic và len). Mẫu da thử và bộ mẫu vải tiêu chuẩn được ngâm trong nước hoặc dung dịch mồ hôi nhân tạo (có chứa chất kiềm hoặc axit) và được ép giữa hai tấm kính đặt trong tủ sấy ở 37ºC - thể hiện nhiệt độ cơ thể - trong khoảng thời gian bốn giờ trước khi được để tự khô. Sau đó, từng dải vải trong tập mẫu vải được đánh giá xem có bị nhuộm màu hay không theo Thang màu chuẩn Grey Scale như nêu trong SATRA TM167 nói trên. Mọi thay đổi của màu trên mẫu da thử cũng được xem xét đánh giá.
Hình 3: Phương pháp thử nghiệm SATRA TM160 đánh giá khả năng giữ màu đối với tác động của nguồn sáng nhân tạo gần giống như ánh sáng tự nhiên ban ngày
Độ bền màu của da lộn và nuburk đối với ánh sáng có thể được đánh giá bằng phép thử SATRA TM160: 1992 - 'Độ bền màu với ánh sáng từ hồ quang xenon'. Mẫu thử được chiếu một nguồn sáng nhân tạo được gọi là 'bóng đèn hồ quang xenon' có thể tạo được một nguồn ánh sáng gần giống với ánh sáng tự nhiên ban ngày, nhưng với cường độ cao hơn nhiều, để tăng tốc độ biến màu của vật liệu thử.
Mẫu thử được phơi ra ánh sáng cùng với bộ các mẫu vải chuẩn tham chiếu (xem hình 3), gọi là ‘Blue Wool Standards’ (BWS). Mỗi mẫu vải tiêu chuẩn có độ bền màu với ánh sáng đã biết, nhưng khác nhau - mỗi mẫu trong bộ mẫu vải đều có độ bền màu với ánh sáng (light fast) gấp đôi so với mẫu da thử. Chúng được dùng để xác định lượng ánh sáng mà mẫu thử đã nhận được. Khi mẫu BWS nhất định chỉ đến mức độ 3 của Thang màu chuẩn Grey Scale, quá trình thử nghiệm đã hoàn tất và mọi thay đổi màu của mẫu da thử được đánh giá theo độ bền ánh sáng dựa trên mẫu BWS tương ứng với mức độ thay đổi màu sắc của mẫu da thử.
Các phương pháp thử nghiệm SATRA có thể mua trực tuyến. Vui lòng truy cập www.satra.com/test_methods để tải xuống danh mục hiện có để đặt mua.
Nguồn: Satra Bulletin(http://www.lefaso.org.vn/)
Tin khác