Khóa đào tạo với sự tham gia của 20 học viên đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Da – Giầy tại khu vực phía Bắc. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2019 của Bộ Công Thương, khóa đào tạo sẽ kéo dài từ ngày 3/9-20/9/2019.
Theo ông Nguyễn Hải Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da- Giầy cho biết: Trong những năm qua, ngành công nghiệp Da - Giầy Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Theo Lefaso, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành Da - Giầy năm 2018 đạt gần 20 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2017, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn một triệu lao động, góp phần bình ổn xã hội và chuyển dịch cơ cấu sản xuất của đất nước. Tuy nhiên, giá trị gia tăng đem lại từ ngành này hiện rất thấp chỉ vào khoảng 8,2%, một trong những nguyên nhân chính là do chúng ta chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ cho ngành Da – Giầy mà một trong các yếu tố chính là nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực thuộc da và vùng nguyên liệu.
Hiện nguyên vật liệu sản xuất của ngành da - giầy chiếm đến 70% giá trị của sản phẩm, trong đó da thuộc đóng vai trò quan trọng nhất. Trong các loại nguyên phụ liệu, da thuộc chiếm khoảng 25 - 30% giá thành nguyên vật liệu làm giầy và 65-70% giá thành nguyên liệu làm cặp túi ví. Tuy nhiên, hiện nay nguồn da thuộc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu và với chất lượng thấp. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành da - giầy, ngành sản xuất da thuộc Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa đảm bảo nhu cầu da thuộc cho sản xuất các mặt hàng da.
Việc triển khai các khóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác quản lý sản xuất da thuộc sẽ góp phần vào phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành Da – Giầy Việt Nam.
Khóa đào tạo sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Hướng dẫn thực hành về kỹ thuật sản xuất da thuộc trong đó đào tạo cho học viên nắm chắc được lý thuyết cơ bản, chuyên sâu công nghệ thuộc da, cũng như các vấn đề môi trường trong ngành. Đồng thời, sau khóa đào tạo các học viên có thể thực hành thành thạo công nghệ thuộc da tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.
“Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giúp các doanh nghiệp có thể ứng dụng thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất nhằm tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất của ngành da - giầy, qua đó nâng cao nhanh năng suất lao động và chất lượng sản phẩm”- ông Nguyễn Hải Trung cho biết.
Nguồn: Báo Công Thương
Tin khác