Những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định. Đồng thời, lấy đổi mới công nghệ là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa.
Nhiều chuyển biến tích cực
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và khó dự báo, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là “chìa khóa” nhằm nâng cao khả năng thích ứng của kinh tế Việt Nam trước các cú sốc.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20%/năm.
Về chuyển đổi số, tính đến hết quý I/2022, có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo; 55/63 địa phương ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Các ngành tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải,… đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số.
Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Một số doanh nghiệp cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực, toàn cầu, liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Khắc phục hạn chế
Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả phân tích chỉ ra, nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều.
Cùng với đó, hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% tổng số bằng được cấp tại Việt Nam.
Chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng lại chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến thiếu bền vững.
Nói về việc doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty công nghệ Rochdale Spears cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng chuyển đổi số, chi phí sản xuất sẽ được tối ưu hóa bằng cách thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị và cải tiến quy trình công nghệ.
Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà. Đồng thời, lấy đổi mới công nghệ là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Theo: VietQ.vn
Tin khác