Đang gửi...
Đang tải...

Chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá vươn lên

  Ngày đăng: 02/11/2021

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020.

Đây là năm đầu tiên đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://dti.gov.vn.


Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Quỳnh Nga)

Kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam năm 2020 đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ/tỉnh để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số, trước hết là thay đổi cách nghĩ, sau đó là thay đổi cách làm, nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số trở nên chín muồi là nhờ vào sự phát triển và hội tụ cùng lúc của nhiều công nghệ mang tính đột phá, gọi là công nghệ số mà vài chục năm mới có 1 lần. Chính vì vậy, nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới coi chuyển đổi là một phương thức phát triển mới, là cơ hội để bứt phá vươn lên.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 ập đến, xã hội giãn cách và thay đổi thói quen một cách đáng kể. Các hoạt động được thực hiện trên môi trường số nhiều hơn. Nhưng chúng ta cũng nhận ra rằng dường như vẫn thiếu những công cụ hiệu quả. “Vì thế, nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới đã quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, sử dụng mạnh mẽ công nghệ số, coi đây là giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trên bình diện quốc gia, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu hơn và phát triển xã hội số cho người dân hạnh phúc hơn.

Trên bình diện các bộ, chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi số trong hoạt động của bộ và cũng không chỉ đơn giản là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà còn là dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Trên bình diện địa phương, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột lần lượt là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa phương đó.

Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy chủ đề năm 2020 được chọn là “Chuyển đổi số khởi đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động”.

Với quan điểm coi chuyển đổi số là một quá trình, không phải là đích đến, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, muốn chuyển đổi số thành công, phải có “đồng hồ”, “thước đo” để biết chúng ta có đi đúng hướng, đi tốc độ nào trên chặng đường chuyển đổi số. Nói cách khác, chúng ta cần 1 bộ chỉ số đo lường về mức độ chuyển đổi số.

Trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số. “Cũng như nhiều bộ đo lường xếp hạng khác, bộ chỉ số chuyển đổi số chỉ có ý nghĩa tương đối. Chúng tôi mong rằng các cơ quan, tổ chức, các bộ, tỉnh coi đây là 1 bộ chỉ số để tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của chính mình” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu.

Thông tin về việc xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi số, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, quá trình xây dựng bộ chỉ số, có thể nói, là rất công phu, nghiêm túc, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi, trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu một cách hết sức cầu thị.

Quá trình tổng hợp, thu thập số liệu báo cáo của các các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, kết hợp với kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, tính toán theo các tiêu chí định trước, cho ra chỉ số chuyển đổi số của từng bộ, tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Trong năm đầu tiên, báo cáo DTI 2020 đã thành công trong việc vẽ ra bức tranh toàn diện của chuyển đối số” - ông Nguyễn Minh Hồng nói.

Ông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, đi vào chiều sâu của chuyển đổi số sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. Ở góc độ đó, bộ chỉ số DTI sẽ là chỉ dấu quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện. Điều này cũng đặt ra yêu cầu bộ chỉ số DTI cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện “kết quả đầu ra”, phản ánh được hiệu quả thực chất của chuyển đổi số.

Báo cáo DTI 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn thông tin dữ liệu, thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh theo 3 nhóm: các bộ cung cấp dịch vụ công, các bộ không cung cấp dịch vụ công và các tỉnh. Về cấu trúc, Bộ chỉ số chuyển đổi số 2020 được thực hiện dựa trên 03 chỉ số gồm chỉ số chuyển đổi số cấp bộ có cung cấp dịch vụ công, chỉ số chuyển đổi số cấp bộ không cung cấp dịch vụ công, và chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.

Một số điểm nổi bật rút ra từ đánh giá DTI 2020 bao gồm: Thứ nhất, DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026; DTI 2020 của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982; và DTI 2020 của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342. Kết quả này cho thấy chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu.

Thứ hai, năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số, 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chương trình/Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ ba, đối với DTI 2020 cấp bộ, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối cấp bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến với DTI là 0,4944.

Thứ tư, đối với DTI 2020 cấp tỉnh, TP. Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với DTI là 0,4874. TP. Đà Nẵng cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp