Đang gửi...
Đang tải...

Cần cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

  Ngày đăng: 09/05/2022

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Do đó cần phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Ông Tạ Việt Dũng.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các chương trình, hoạt động gì để khuyến khích doanh nghiệp ĐMST, thưa ông?

Ông Tạ Việt Dũng: Bộ KH&CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN nhằm khuyến khích ĐMST trong doanh nghiệp, như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.

Đối với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, thời gian qua, cục đã chủ trì, tham mưu cho lãnh đạo Bộ KH&CN một số điều luật, quyết định về KH&CN để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện trường, tổ chức KH&CN ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, ĐMST. Bên cạnh đó, cục đã trực tiếp triển khai các hoạt động, nhiệm vụ, như: Quản lý, triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; tổ chức quản lý, hướng dẫn, triển khai hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trên cả nước; tổ chức hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.

Nhân viên Viện Thực phẩm chức năng (tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc) vận hành thiết bị máy móc hiện đại. Ảnh: QUANG DUY

PV: Hiệu quả của các chương trình, hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp ĐMST trong giai đoạn vừa qua như thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Việt Dũng: Giai đoạn 2011-2020, thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thụ và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5 lần) sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu của các doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước. Với những kết quả đã đạt được, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2030 theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25-1-2021.

Đối với hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, trong giai đoạn 2011-2020 đã tổ chức 13 sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ ở quy mô quốc tế, quốc gia và vùng. Hằng năm, đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên tại sự kiện. Xây dựng cẩm nang công nghệ, gồm 2.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ kết nối 142 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp, tỷ lệ các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện sau ký kết đạt 41,5%.

PV: Hiện nay, vấn đề quản lý nhà nước về ĐMST còn có những vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Tạ Việt Dũng: Hiện nay, hoạt động ĐMST và thực thi chính sách, hỗ trợ ĐMST còn khá phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Bộ KH&CN trong rất nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách về ĐMST. Nhiều chính sách hỗ trợ ĐMST vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu “sandbox” (là tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới) chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi. Việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân để thiết kế chính sách ĐMST sát thực hơn.

PV: Ông có đề xuất giải pháp gì để tăng cường quản lý nhà nước về ĐMST trong thời gian tới?

Ông Tạ Việt Dũng: Để quản lý nhà nước về ĐMST hiệu quả hơn, cần xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ĐMST là Bộ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về ĐMST. Hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về ĐMST, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, các hệ thống ĐMST vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó doanh nghiệp có vai trò là trung tâm của hệ thống ĐMST, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://www.qdnd.vn

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp