Đang gửi...
Đang tải...

Chuyển đổi số - Giải pháp cho doanh nghiệp dệt may thăng hạng trong chuỗi cung ứng

  Ngày đăng: 03/03/2022

Tại Hội nghị Chuyển đổi số trong ngành thời trang- Thiết kế 3D vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho hay: Từ đầu năm tới nay cho dù sản xuất của doanh nghiệp dệt may khá tốt với đơn hàng dồi dào nhưng thực chất doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả trong ngắn và dài hạn.

Đầu tiên là thiếu nguyên liệu cho sản xuất, nhất là vải. Bình quân hàng năm, dệt may Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 63% nhu cầu vải từ Trung Quốc, 13% từ Hàn Quốc, còn lại là từ các thị trường khác. Nền sản xuất thiên về xuất khẩu nhưng chủ yếu bán B2B trên thương hiệu của nhãn hàng, bán B2C trên các sàn thương mại điện tử chưa được chú trọng nên chưa tận dụng triệt để được thế mạnh của thương mại xuyên biên giới. Mặt khác, cho dù xuất khẩu nhiều nhưng có tới 60% sản lượng là gia công, FOB khoảng 25-30% và ODM chỉ 9%. Đồng nghĩa, doanh nghiệp vẫn “lấy công làm lãi” và cần phải chú ý hơn tới phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Một thách thức nữa là cạnh tranh lao động ngày một gay gắt và không chỉ cạnh tranh trong ngành mà cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoài ngành, nhất là doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh, giá nhân công hiện đã rất cao và khó tuyển dụng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may quá lớn, chiếm tới 80% là thách thức không nhỏ cho việc tiếp cận vốn để xanh hoá sản xuất, phát triển bền vững.


Chuyển đổi số - Giải pháp cho doanh nghiệp dệt may thăng hạng trong chuỗi cung ứng

Lãnh đạo VITAS cũng, cho hay: Bên cạnh thách thức, dệt may Việt Nam có rất nhiều thuận lợi từ chính trị ổn định, nhân lực có tay nghề cao và giá cạnh tranh. Việt Nam được nhận định là nhà sản xuất đáng tin cậy và đang trở thành một phần công xưởng của thế giới. Thách thức từ Covid-19 gây ra nhiều hệ luỵ nhưng nhìn ở góc độ khác đó cũng là cơ hội cho doanh nghiệp đánh giá lại vị trí của mình trong chuỗi cung ứng để tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, liên kết tạo ra những cơ hội mới. “Chính dịch Covid-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp dệt may tăng cường nội địa hoá, nâng cao giá trị gia tăng của mình trong xuất khẩu”, đại diện VITAS nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, dịch Covid-19 là lực đẩy đáng kể cho doanh nghiệp dệt may trong nước tiến hành chuyển đổi số. Sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển dịch từ sản xuất gia công truyền thống sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thì chuyển đổi số là tất yếu, là công cụ cho các ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành hướng tới xuất khẩu chú trọng.

Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại.

Đại diện VITAS nhấn mạnh, cần phải hiểu, số hoá là hình thức số hoá dữ liệu, số hoá quy trình và là bước đầu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số là bước tiếp theo và phải thay đổi toàn diện của cá nhân, tổ chức, phương thức sản xuất, điều hành, quy trình làm việc dựa trên công nghệ số.

Chuyển đổi số đang là xu hướng và là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất. Theo các chuyên gia, nếu không chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ bị lạc hậu, mất khả năng cạnh tranh, nặng nề hơn là sẽ bị loại khỏi thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số là thách thức không dễ vượt, nhất là với doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính, nhân lực.

Hợp tác cùng đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc là một giải pháp đang được VITAS hướng tới nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận và từng bước chuyển đổi số. Chia sẻ về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này của doanh nghiệp hai nước, đại diện Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay: Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên phong phú, lao động dồi dào, chí phí nhân công tiết kiệm, Hàn Quốc là quốc gia có nguồn kinh phí đầu tư, các kỹ năng quản lý. Đó chính là nền tảng cho hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ và bền vững ngành công nghệp dệt may của hai quốc gia.

“Vitas từng chia sẻ rằng, dệt may Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào gia công, còn nhiều hạn chế và khó khăn trong phát triển thiết kế và kinh doanh các nhãn hàng. Với thế mạnh của mình, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp dệt may tiếp cận nhanh hơn với kỹ thuật số và sản xuất thông minh”, đại diện Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

Theo Chuyên trang Kinh tế Việt Nam

Tin khác

Từ điển chuyên ngành da giày

Từ điển chuyên ngành da giày

Thư viện ảnh

Thư viện ảnh

Hỏi đáp

Hỏi đáp