Phát biểu tại Lễ cấp chứng chỉ, Ông Nguyễn Hải Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da –Giầy mong muốn Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành Da – Giầy mà trước hết là phát triển vùng nguyên phụ liệu và các doanh nghiệp sản xuất thuộc da, có như vậy doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này mới có nhu cầu đào tạo về nguồn nhân lực.
Sau gần 20 ngày tham gia khóa đào tạo, các học viên đến từ các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, thương mại hoạt động trong lĩnh vực da – giầy ở khu vực phía Bắc đã hoàn thành khóa học lý thuyết và thực hành tại cơ sở 2 của Viện Nghiên cứu Da –Giầy đóng tại thị xã Từ Sơn,tỉnh Bắc Ninh.
Chia sẻ về những kết quả sau khóa học, học viên Đàm Mạnh Dũng đến từ Công ty X26 cho biết “Sau khóa học này tôi thấy đã học được lý thuyết căn bản về ngành da- giầy và lĩnh vực thuộc da. Từ đó tôi có hiểu thêm về cách xử lý về lĩnh vực thuộc da và làm thế nào để tạo ra một tấm da thuộc tốt, thông qua thực hành các công đoạn thuộc da chúng tôi đã nắm bắt cơ bản về kỹ thuật thuộc da. Tuy nhiên để có kỹ năng thuộc da và xử lý da tốt hơn chúng tôi mong muốn Viện Nghiên cứu Da- Giầy cùng Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi, giúp chúng tôi nâng cao kỹ năng tay nghề để về cơ sở có thể góp phần nâng cao được chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường”.
Ông Sam Goh Qing Sheng – Chuyên gia thuộc da đến từ Stahl Asia Pacific ( Singapore) cho biết, qua quá trình hướng dẫn các học viên tôi nhận thấy các học viên tuy đến từ nhiều vị trí công việc khác nhau trong các doanh nghiệp ngành da- giầy tuy nhiên các học viên nắm bắt rất nhanh kỹ thuật thuộc da, các bạn có thể thao tác chuẩn xác cũng như thực hiện các bước thuộc da một cách khá là thuần thục sau khóa học, tôi tin tưởng các học viên này sẽ đáp ứng tốt công việc của mình trong thời gian tới tại các doanh nghiệp”.
Ông Phạm Vinh Khánh – Giảng viên khóa đào tạo cho biết “ Là người theo ngành gần 40 năm nghề thuộc da của Việt Nam và đã từng được đào tạo Liên Xô cũ, theo tôi đánh giá thì trình độ CBCN ngành da – giầy hiện nay của Việt Nam đang ở mức độ trung bình khá. Tại khóa học này, các học viên tiếp thu nhanh, kỹ năng làm việc tốt, nhưng do các em chưa được đào tạo bài bản nên để hoàn thiện sản xuất lớn gặp nhiều khó khăn, cần có các khóa đào tạo sâu hơn và dài hơn”.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Trung, hiện ngành Da –Giầy Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Trong những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu của ngành Da – Giầy luôn đạt mức tăng trưởng cao ở 2 con số.Tuy nhiên, giá trị gia tăng đem lại từ ngành này hiện rất thấp chỉ vào khoảng 8,2%, một trong những nguyên nhân chính là do chúng ta chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ cho ngành Da – Giầy mà một trong các yếu tố chính là chúng ta chưa có chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu và thu các doanh nghiệp và lĩnh vực thuộc da, tiếp theo đó là chúng ta thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.
“Thời gian tới chúng tôi mong muốn Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ có những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành da –giầy và Bộ Công Thương sẽ tiếp có những chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này ở mức độ chuyên sâu hơn nữa nhằm hỗ trợ các DNVVN nâng cao năng lực cạnh tranh”, Ông Nguyễn Hải Trung cho biết.
Nguồn: Báo Công Thương
Tin khác